Cách Kiểm Tra Pháp Lý Nhà Đất Trước Khi Thực Hiện Mua Bán

1921 lượt xem

Kiểm tra pháp lý nhà đất là việc rất cần thiết để quý vị không bị rủi ro trong mua bán nhà đất, sau đây Chuyên gia Út tư vấn một số cách kiểm tra cơ bản.

1/- Kiểm tra điều kiện chuyển nhượng:

Để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các bên phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, cụ thể:

a/- Điều kiện của bên chuyển nhượng(bên bán).

– Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

+ Có Giấy chứng nhận. (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này).

+ Nhà đất không có tranh chấp.

+ Nhà đất không thế chấp (ngân hàng, cầm cố có công chứng).

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

+ Trong thời hạn sử dụng đất.

b/- Điều kiện của bên nhận chuyển nhượng (bên mua)

Năm 2021, có 4 trường hợp không được sang tên Sổ đỏ:

Tuy người sử dụng đất (người bán, người tặng cho) có đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 nhưng người mua, người nhận tặng cho không được phép mua, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì không sang tên được Sổ đỏ.

Hay nói cách khác, bị cấm sang tên cụ thể:

Tại Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định những trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất gồm:

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

+ Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

+ Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Như vậy, nếu người mua, người nhận tặng cho quyền sử dụng đất thuộc một trong bốn trường hợp trên thì không được phép sang tên Sổ đỏ dù người bán, người tặng cho có đủ kiện.

2/- Kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất:

Để tránh, hạn chế tối đa rủi ro thì người nhận chuyển nhượng cần kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất như thế chấp, quy hoạch, tranh chấp hoặc tính hợp pháp của Giấy chứng nhận.

a/- Đề nghị bên chuyển nhượng xuất trình (xem) Giấy chứng nhận quyền sử dụng (bản gốc), cung cấp bản photo. h3

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận có thể tự mình kiểm tra các thông tin về nhà đất tại trang 1, 2, 3 và trang cuối cùng của Giấy chứng nhận, nếu sổ hết chổ ghi thì sẻ có tờ cập nhật.

+ Kinh nghiệm để biết được sổ có tờ cập nhật hay không:

  • Dấu bấm trên/dưới góc phải của tờ 3 và tờ 4 trên sổ.
  • Sổ có đóng giáp lai nữa dấu, có thể thế chấp.

+ Căn cứ vào trang 1 và 3, 4, tờ cập nhật của Giấy chứng nhận thì sẽ biết được tên của người sở hữu cuối cùng. Đều này rất quan trong trong thương lượng.

+ Căn cứ vào trang 2 của Giấy chứng nhận thì sẽ biết được: Thửa đất, tờ bản đồ, diện tích công nhận, diện tích xây dựng, diện tích sàn sử dụng, số lầu, loại đất ở, nhà ở cấp hạng nào, hình thức sử dụng, thời hạn sử dụng…

Lưu ý có những trường hợp ghi ở trang cập nhật.

+ Căn cứ vào trang 3, 4, tờ cập nhật của Giấy chứng nhận thì sẽ biết được đất có thế chấp hay không.

Như vậy, việc yêu cầu bên chuyển nhượng xuất trình Giấy chứng nhận là cách kiểm tra xem nhà đất có hay không có Giấy chứng nhận và các mục của từng trang rất quan trọng.

b/- Kiểm tra thời hạn sử dụng đất:

Căn cứ khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thời hạn sử dụng đất được ghi tại trang 2 của Giấy chứng nhận như sau:

– Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi thời hạn theo quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì ghi thời hạn sử dụng được công nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì ghi “Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.

– Thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi “Lâu dài”.

– Thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.

c/- Cách kiểm tra nhà đất có thế chấp hay không, nhà đất thuộc quy hoạch, tranh chấp hay không:

Để biết nhà đất có thế chấp ngân hàng, có thuộc quy hoạch hoặc tranh chấp hay không thì có một số cách kiểm tra như sau:

– Tra cứu thông tin tại phòng công chứng (tùy vào VPCC có thể miễn phí, tốn phí).

– Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND cấp Huyện/Quận, cấp Xã.

– Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp Huyện/Quận biết đất có thuộc quy hoạch hay không?

– Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để có thêm thông tin.

– Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai (đây là cách chắc chắn nhất), cụ thể:

Căn cứ Điều 9 Thông tư 34/2014/TT-BTNTM, các hình thức khai thác thông tin đất đai gồm:

– Khai thác thông tin đất đai qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS.

– Khai thác thông tin đất đai thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản (hợp đồng).

Tuy có nhiều hình thức khác nhau nhưng để kiểm tra tình trạng pháp lý thửa đất thì hộ gia đình, cá nhân nên sử dụng hình thức khai thác thông tin thông qua phiếu yêu cầu.

Trước tiên người yêu cầu phải điền thông tin theo phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01/PYC. Tại danh mục và nội dung dữ liệu cần cung cấp trên phiếu yêu cầu thì tích vào ô thông tin cần biết theo nhu cầu, nếu cần tổng hợp thông tin thì tích vào ô “tất cả thông tin trên”.

Sau khi điền xong thông tin thì hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu

Người yêu cầu nộp tại Bộ phận một cửa hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết

Khi nhận được phiếu yêu cầu hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

– Cung cấp thông tin cho người có yêu cầu.

– Thông báo nghĩa vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân.

– Nếu từ chối cung cấp thông tin đất đai phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý: 04 trường hợp không cung cấp thông tin, dữ liệu gồm:

– Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể.

– Phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân.

– Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.

– Không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 3. Trả kết quả.

Thời gian thực hiện:

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 6 Thông tư 34/2014/TT-BTNTM, thời hạn cung cấp thông tin được quy định như sau:

– Nếu nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày.

– Nếu nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Thực tế thì: 7 đến 10 ngày (tùy thuộc từng quận).

Kết luận: Trước khi mua nhà đất thì người dân có rất nhiều cách kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất, trong đó cách chính xác nhất là đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai cấp thông tin về thửa đất (có trả phí).

Nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện, bạn đọc vui lòng liên hệ:

Website: https://timnhasg.com

Để được hỗ trợ nhanh nhất.

Tin cùng chuyên mục